Mọi Sự Chính Là Tâm

Những Giáo Huấn Thực Hành về Sự Hợp Nhất của Đại Ấn và Đại Toàn Thiện
của Karma Chagmé với bình giảng của Gyatrul Rinpoche

Trong thế giới này nhiều sự nói xấu được lan truyền, và tất cả chúng đều sanh ra từ nghiệp của người ta – từ những hành động và những kết quả của chúng – với gốc rễ là tâm thức của họ. Mọi sự thay đổi, vui, buồn, sướng khổ, thương, ghét… đều do tâm thức. Mọi quan điểm đều vô thường và một cách nền tảng, chỉ là những xuất hiện của tâm thức. Thế nên, chớ chú trọng đến chúng quá nhiều. Cần chú trọng nhiều là chính tâm thức của bạn!

Trong truyền thống Đại Toàn Thiện, Guhyagarbhatantra nói rằng tinh túy không gốc rễ của mọi sự chính là tâm. Mặt khác tâm là nền tảng, hay gốc rễ, của tất cả những hiện tượng, nhưng bản thân tâm thì không có gốc rễ, hay tinh túy. Khi nói rằng toàn thể sanh tử và Niết bàn có tâm làm gốc rễ của chúng, chúng ta có thể hỏi, “Tâm là của ai? Có phải là tâm của một cá nhân không?” Câu trả lời là không; tâm của tất cả chúng sanh. Sự liên hệ của sanh tử và Niết bàn với tâm của Phật không phải là liên hệ với tâm của một vị Phật mà là với tất cả chư Phật. Những tạo tác ý niệm vô số của tâm phát triển, và do chạy theo những cái ấy, chúng ta kéo dài mãi sự hiện hữu của chúng ta trong sáu cõi sanh tử, và cũng kéo dài ba độc của tâm. Một cách cơ bản, chúng ta kéo dài sanh tử của chúng ta bằng cách bám níu vào cái không có hiện hữu đích thật mà cho là thật. Vì lý do này, đức Phật dạy Bốn Thánh Đế, hai vô ngã, tức là nhân vô ngã và pháp vô ngã, và cái thấy tánh Không.

Do khuynh hướng bám chấp vào cái không hiện hữu cho là thực có, chúng ta bám vào những hiện tượng như là kiên cố và thường hằng, đó là chấp thường. Nhìn vào các thân Phật, thì Pháp thân là bản tánh đích thực của tâm. Bốn hoạt động của Báo thân – bình an, mở rộng, thần lực và dữ tợn – chỉ là những phô diễn của tâm. Tiếp theo là cấp độ Báo thân, bao gồm tất cả cõi tịnh độ, những cung điện, những phô diễn của trí huệ bổn nguyên, và mọi phẩm tính của chư Phật, chúng chỉ là thuộc bản tánh của tâm. Rồi chúng ta có thể nhìn các cõi dục, cõi sắc và cõi vô sắc của sanh tử. Tất cả các cõi này, cùng với những tương liên tương thuộc của những hành động và những hậu quả của chúng, nảy sanh từ tâm. Mọi hạnh phúc và đau buồn người ta kinh nghiệm sanh ra chỉ từ tâm.
Hãy nhớ trong tâm mười thí dụ mà đức Phật đã nói về mọi hiện tượng, tuyên bố rằng chúng như tiếng vang, như ảnh phản chiếu, như ảo ảnh v.v… Người ta chỉ bám chấp vào cái không thật cho là thật. Hãy nhớ mười thứ tương tự này trong tâm; chúng thực sự là những đối tượng rất thích hợp để thiền định. Nhưng trong lúc đó, quan trọng là chúng ta không phát triển một thái độ tự xem là đặc biệt. Không có ai trong chúng ta là đặc biệt. Nếu bạn muốn trở nên đặc biệt, thì hãy nhận biết bản tánh của cái tỉnh giác của bạn. Nếu bạn muốn là đặc biệt, hãy gỡ thoát khỏi mạng lưới sanh tử này. Nếu bạn không làm được điều này, bạn không là đặc biệt.

Khi tôi nói về sự không thực của kinh nghiệm của chúng ta, bạn có thể nghĩ có lẽ nghiệp thực ra cũng không có sự thật nào như những kinh nghiệm của bạn, nhưng đây là một kết luận sai lầm. Hãy xem những đại sư quá khứ của dòng Kagyu. Họ thường tụng một câu nguyện, “Nguyện tôi chứng biết những tinh tế của những hành động và những hậu quả của chúng.” Chỉ khi người ta đã có được một chứng ngộ rất cao gọi là “một vị của tất cả những hiện tượng”, thì người ta mới có thể thực sự thâm nhập vào những mối tương quan tinh vi này, những mối kết lẫn nhau tinh tế này của những hành động và những hậu quả của chúng. Có sự chứng biết đầy đủ này những tinh tế của nghiệp có nghĩa là bạn đã có được hai loại hiểu biết (hai trí): về bản thể và về hiện tượng (căn bản trí và hậu đắc trí). Trí huệ về bản thể (căn bản trí) là sự chứng ngộ tánh Không, nó là bản tánh của tất cả hiện tượng. Trí huệ về hiện tượng (hậu đắc trí hay sai biệt trí) của một vị Phật là sự thấu hiểu thâm nhập phạm vi trọn bộ của những hiện tượng, đặc biệt về những hành động và những hậu quả của chúng. Những tương quan này thì vi tế không thể nghĩ bàn. Hiểu biết về bản thể và về hiện tượng có thể ví như thân của một cái cây, và quả là tám vạn bốn ngàn bộ giáo lý của Phật. Thế nên, chớ nghĩ rằng những giáo lý về nghiệp là một cái gì phải để lại sau hay trở nên vụn vặt một khi người ta đã đạt chứng ngộ rất cao.

Trích: Tánh Giác Lộ Toàn Thân
Nhà Xuất Bản Thiện Tri Thức

Chia sẻ là yêu thương! - Sharing is caring!

Leave a Reply