Thiền Định Về Vô Thường Của Chính Mình

Thiền Định Về Vô Thường Của Chính Mình

Gampopa

🙏

🌺 Nghiên cứu Vô thường trong Chính mình.

Hãy thiền định điều này trong những cách: thiền định về cái chết, thiền định về sự cạn dần của cuộc sống và thiền định về sự chia lìa.

Thiền định về cái chết, người ta cần nghĩ, “Chính mình đấy không thể ở lâu trong thế giới này và sẽ phải đi qua đời kế tiếp”. Hãy thiền quán điều này.

Thiền định về những đặc tính của cái chết bằng cách thiền quán, “Cuộc đời tôi chấm dứt, hơi thở này ngưng lại, thân thể này thành một xác chết, và tâm thức này phải lang thang nhiều nơi chốn khác nhau”. Chỉ quán tưởng điều này.
Thiền định về sự cạn dần của cuộc sống bằng cách quán tưởng, “Từ năm ngoái đến bây giờ, một năm đã qua, và với khoảng đó cuộc đời tôi đã ngắn hơn. Từ tháng vừa rồi đến bây giờ, một tháng đã qua, và cuộc đời tôi ngắn nhiều hơn nữa. Từ hôm qua đến hôm nay là một ngày, cuộc đời tôi đã lại gắn hơn nữa. Khoảnh khắc đang trôi qua ngay lúc này là sự ra đi của một khoảnh khắc, cuộc đời tôi đã mất đi một khoảnh khắc. Đi vào Bồ tát hạnh nói:

Nhất định không dừng lại ngày hay đêm,
Cuộc đời luôn luôn trôi tuột đi
Và không bao giờ giữ lại được,
Thì tại sao cái chết lại không đến với một người như tôi?
Thiền định về chia lìa bằng cách quán tưởng, “Ngay giờ đây, bất cứ cái gì tôi có_như quyến thuộc và tài sản của tôi, thân thể này và vân vân, những thứ tôi rất quý_không có cái nào có thể đi theo tôi vĩnh viễn. Một ngày sắp tới đây tôi sẽ chia lìa với chúng”. Hãy quán tưởng, suy xét điều đó. Đi vào Bồ tát hạnh nói:

Cho đến bây giờ, tôi đã không hiểu
Rằng tôi sẽ để mọi sự lại đằng sau.
Một cách để thực hành thiền định này là quán tưởng những chủ đề “ba lần ba”. Hãy thiền định về vô thường của cái chết bằng cách quán tưởng:

(1) Chắc chắn tôi sẽ chết.
(2) Thời điểm chết thì không chắc chắn.
(3) Không có sự giúp đỡ nào khi cái chết xảy ra.

(1) Có ba lý do cho sự chắc chắn sẽ chết:
(a) bởi vì không có ai trong quá khứ còn sống,
(b) bởi vì thân thể này là hợp tạo, và
(c) bởi vì cuộc đời này cạn dần mỗi khoảnh khắc, cái chết nhất định sẽ xảy ra.

(a) Cái chết của tôi là chắc chắn bởi vì không có ai trong quá khứ còn sống. Acharya Ashvaghissha nói:

Hoặc trên trái đất hay những cõi trời, bạn đã từng thấy ai sanh ra mà không chết hay bạn đã từng nghe có ai như vậy chưa? Thế mà bạn vẫn còn nghi!

Thế nên, dù những vĩ nhân có thấu thị và thần thông vô tận cũng không thoát khỏi để đến một nơi không có cái chết. Nói gì đến người thường như chúng ta! Có nói rằng:

Những bậc có năm thần thông có thể bay xa trong bầu trời, nhưng không thể tìm ra một nơi nào người ta không chết.
Không chỉ thế, mà cả những bậc cao cả_những bậc Độc Giác, những A La Hán Thanh Văn_cuối cùng cũng bỏ thân xác. Nói gì những người thường như chúng ta! Kinh Phật Tự Thuyết nói:

Tất cả các Độc Giác và các Thanh Văn của Phật còn bỏ thân xác, huống chi người thường như chúng ta?

Không chỉ có thế, thậm chí hóa thân toàn hảo của Phật với những tướng chánh và phụ và có bản chất giống như kim cương bất hoại, cũng phải bỏ. Nói gì người thường như chúng ta! Acharya Ashvaghosha nói:

Sắc tướng của tất cả các chư Phật, được trang nghiêm bằng những tướng chánh và phụ_thậm chí thân như kim cương cũng là vô thường. Nói gì đến thân của chúng sanh, không có tự tánh, không có cốt lõi như cây mọc trong nước!

(b) Cái chết của tôi là chác chắn bởi vì thân này là hợp tạo và mọi hiện tượng hợp tạo đều vô thường. Mọi cái hợp tạo đều có bản chất phải chết. Kinh Phật tự thuyết nói:

Than ôi! Vì mọi cái hợp tạo đều vô thường, chúng nằm trong sanh và tử.
Bởi vì thân thể này không phải là không hợp tạo, nó phải hợp tạo; thế nên, nó là vô thường và cái chết là chắc chắn.

(c) Cái chết của tôi là chắc chắn bởi vì cuộc sống cạn dần mỗi khoảnh khắc. Mỗi khoảnh khắc, cuộc đời chuyển động gần hơn đến cái chết. Chúng ta có thể không biết điều này, nhưng có thể khảo sát nó với những ví dụ. Như một mũi tên bắn đi bởi một người bắn cung khéo léo, như nước rơi từ một dốc núi, như một người bị dẫn đến chỗ hành hình, cuộc sống đi qua nhanh.

Trong thí dụ thứ nhất, khi một người bắn mũi tên đến một cái đích, tên không dừng một khoảnh khắc nào cho đến khi đến đích. Cũng thế, cuộc đời chúng ta không dừng một chỗ nào dù trong khoảnh khắc; nó đạt đến cái chết một cách nhanh chóng. Như có nói:

Như một mũi tên do một cung thủ bắn đi: ngay khi buông dây cung, nó không dừng lại mà nhanh chóng đến đích. Cuộc sống của mọi người cũng y như thế.

Trong thí dụ thứ hai, như nước rơi từ một dốc núi không dừng lại một khoảnh khắc nào, cũng thế rất rõ ràng cuộc đời của một con người không dừng nghỉ. Bộ Tháp Quý Báu nói:
Các bạn! Cuộc đời này qua nhanh như nước rơi từ một vách núi. Một người ngây thơ không biết đến điều này và say sưa với giàu có và kiêu căng một cách ngu dại.
Kinh Phật tự thuyết cũng nói:

Giống như dòng chảy của một con sông lớn, nó trôi đi không trở lại.
Trong thí dụ thứ ba, một tù nhân bị dẫn di hành quyết, mỗi bước chân đem người ấy đến gần hơn với cái chết. Tương tự, cuộc sống chúng ta cũng gần hơn với cái chết trong mỗi phút. Như thế, Kinh Cây Cao Quý nói:

Như một tù nhân bị dẫn đi hành hình, mỗi bước chân đưa anh đến gần hơn với cái chết.
Kinh Phật tự thuyết cũng nói:

Đối với người chắc chắn bị hành hình, mỗi bước chân kéo anh gần hơn đến chỗ hành hình. Đó cũng là cuộc đời của mọi người.

(2) Sự không chắc chắn của thời điểm chết được giải thích bởi ba lý do:

(a) bởi vì khoảng đời là bất định,
(b) bởi vì thân thể không có tự tánh, và
(c) bởi vì có nhiều nguyên nhân gây ra cái chết.

Thế nên, không có sự chắc chắn về thời gian chết.

(a) Trong những cõi khác hay trên những châu lục khác, khoảng đời là chắc chắn. Nhưng trong thế giới này cuộc đời chúng ta không có độ dài xác định. Như có nói trong Tạng A Tỳ Đạt Ma:

Ở đây không xác định; mười năm lúc cuối (chu kỳ của một kiếp) và vô cùng ở lúc đầu (của một kiếp).
Bây giờ, như thế nào là không xác định? Kinh Phật tự thuyết nói:

Một số chết trong bụng mẹ, một số khác ngay khi sanh, cũng như một số khi bò, một số khi chạy. Một số đến già, một số chết trẻ, một số chết lúc sung sức thanh niên. Rốt cuộc, tất cả họ đều đi mất.

(b) Nói thân thể không có tự tánh nghĩa là không có một bản chất riêng cứng chắc nào trong đó, chỉ là ba mươi sáu hợp thể bất tịnh. Đi vào Bồ tát hạnh nói:

Trước hết, bằng tâm thức hãy tách
Những lớp da (khỏi thịt)
Và rồi với lưỡi dao mỏng của sự phân biệt
Hãy tách thịt khỏi bộ xương.
Hãy nhìn vào bộ xương
Khi nhìn vào đó hãy tự hỏi,
“Đâu là bản tánh”?

(c) “Nhiều nguyên nhân của cái chết” là không có cái gì không góp phần vào cái chết của chúng ta và của những người khác. Những Bức Thơ cho Người bạn nói:

Đời này có nhiều nguy hiểm; nó dễ vỡ
Hơn một bọt nước gió thổi bay bổng.
Thật là phi thường lớn lao khi có thời gian để sống:
Thở vào và ra, và thức dậy khỏi giấc ngủ.

(3) Cũng có ba lý do tại sao sẽ không có giúp đỡ khi cái chết xảy đến:

a. Chúng ta không thể được giúp đỡ bởi sự giàu có của mình,

b. Chúng ta không thể được giúp đỡ bởi quyến thuộc bạn bè, và

c. Chúng ta không thể được giúp đỡ bởi thân thể.

(a) Chúng ta không thể được giúp đỡ bởi sự giàu có của mình. Đi vào Bồ tát hạnh nói:

Dù tôi có sống hạnh phúc trong một thời gian dài
Nhờ có được một tài sản vật chất lớn
Tôi sẽ ra đi tay trắng và thiếu thốn
Như bị kẻ trộm lấy đi sạch.
Ngoài sự không làm lợi cho chúng ta, giàu có làm hại chúng ta đời này và đời sau. Làm hại cho đời này đến từ tranh đấu cho sự giàu có, và kinh nghiệm khổ đau do nô lệ cho giàu có, do bảo vệ khỏi bị cướp đoạt. Sau đó, chúng ta bị ném vào những cõi thấp do sự chin thành quả của những hành động ấy.

(b) Chúng ta không thể được giúp đỡ bởi quyến thuộc, bạn bè. Có nói rằng:

Khi thời điểm chết, con cái bạn không thể trở thành nơi nương trú; cha, mẹ, bạn bè của bạn cũng thế. Không có người nào bạn có thể nương dựa.

Ngoài sự không làm lợi lạc cho chúng ta, quyến thuộc sẽ làm hại chúng ta đời này và đời sau. Làm hại cho đời này là sự đau khổ lớn lao do sự rằng họ có thể chết, có thể bệnh, hay bị những người khác đánh bại. Sau đó, chúng ta bị ném vào những cõi thấp do sự chín thành quả.

(c) Chúng ta không thể được giúp đỡ bởi thân thể của chính chúng ta. Chúng ta không thể được giúp đỡ bởi những phẩm tính của thân thể hoặc bởi chính thân thể. Thứ nhất, bất kể thân mạnh mẽ thế nào, nó không thể xoay ngược cái chết. Bất kể mềm dẻo, nhanh nhẹn thế nào, nó không thể thoát khỏi cái chết. Bất kể học nhiều, và hùng biện thế nào, chúng ta không thể thoát khỏi cái chết bằng sự tranh luận. Chẳng hạn, khi mặt trời lên khỏi ngọn núi, không có ai có thể trì hoãn nó hay đẩy nó lùi lại được.

Chính thân thể không thể giúp chúng ta. Có nói rằng:
Thân thể, được thức ăn và áo quần duy trì, thứ mà chúng ta phải thu thập một cách khó nhọc, thân ấy không theo bạn, mà sẽ bị chim, chó ăn hay bị thiêu hay bỏ trong nước, hay chôn dưới đất.

Ngoài sự không đem lợi lạc vào lúc chết, nó sẽ gây hại trong đời này và đời sau. Làm hại cho đời này là thân thể không thể chịu nổi bệnh tật, nóng lạnh, đói khát, sợ bị đánh đập, sợ bị giết, bị hành hạ. Sau đó, do những sai lầm của thân, chúng ta bị ném vào những cõi thấp do sự chin thành quả.

🌺 Áp dụng sự vô thường của những Người khác (vào Chính mình).

Thực hành vô thường của cái chết “bằng cách áp dụng sự vô thường của những người khác”, là quan sát cái chết của người khác, nghe về cái chết của người khác, và ghi nhớ trong tâm.

Thứ nhất, hãy thực hành thiền định về vô thường bằng cách quan sát người khác đang chết. Chẳng hạn, xem xét khi một người thân mà thân thể mạnh mẽ, nước da rất sáng và lạc quan, người không có cảm nhận về cái chết. Tất cả sức mạnh của thân thể mất đi, và thậm chí không thể ngồi dậy. Khuôn mặt, làn da rạng rỡ biến mất, trở thành không màu. Cảm giác của người ấy là khổ. Người ấy không thể chịu đựng bệnh tật, đau đớn, thuốc thang đều vô hiệu, những buổi lễ tôn giáo cầu kinh không giúp được nữa. Nó biết rằng nó sẽ chết, rằng không có chọn lựa nào khác. Nó nhóm họp bạn bè thân thuộc còn sót, ăn lần cuối, lập lại những lời chót. Lúc ấy, hãy quán tưởng “Tôi cũng cùng một bản chất như thế, trong một hoàn cảnh như thế và có cùng tính cách như thế. Tôi không vượt khỏi sự thực này”.

Khi hơi thở người ấy đã ngừng, từ lúc đó, dù được yêu mến và quan trọng bao nhiêu trong căn nhà ấy, nó không thể trải qua thêm một ngày ở đó. Người ấy được bỏ trên cáng, cột lại và mang đi. Một số người trong gia đình ôm và bám lấy đầy yêu thương. Một số khác khóc và tỏ vẻ buồn rầu, một số ngả lăn ra đất và có người cho rằng thân thể là đất đá và những hành động ấy là vô nghĩa. Khi xác chết đã được đem ra khỏi nhà, và bạn thấy nó sẽ không trở lại, bây giờ bạn cần thực hành thiền. Hãy nhớ mọi điều này và quán tưởng, “Tôi cũng cùng một bản chất như vậy, trong một hoàn cảnh như vậy và có cùng tính chất như vậy. Tôi không vượt khỏi sự thực này”.
Khi xác chết được đem tới nghĩa trang và để lại ở đó, khi nó bị giòi bọ, chó sói, các thú rừng…ăn, khi xương tung tóe đó đây, khi bạn thấy những điều này, hãy nhớ như trước và quán tưởng “Tôi cũng cùng một bản chất như thế…”

Hãy thực hành sự vô thường của cái chết bằng cách nghe tin những người khác chết. Khi bạn nghe có người chết hay có một xác chết, hãy nhớ sự vô thường của cái chết như trước bằng cách quán tưởng rằng “Tôi cũng cùng một bản chất như thế”,…

Hãy thực hành sự vô thường của cái chết bằng cách nhớ lại những người khác đã chết. Hãy nhớ lại người chết, trẻ hay già đã cùng với bạn trong xứ sở bạn, trong thành phố, hay trong nhà bạn. Hãy nhớ điều này như trước bằng cách quán tưởng rằng, “Không lâu nữa, tôi cũng sẽ cùng một bản chất như thế…” Có nói trong kinh:

Bởi vì không chắc chắn cái gì sẽ đến trước, ngày mai hay đời sau, thế thì không phải lo cho ngày mai, người ta cần sẵn sàng cho đời sau.


Trích: Tràng Ngọc Giải Thoát
Gampopa
Việt dịch: Thiện Tri Thức
Nhà Xuất Bản Thiện Tri Thức

Chia sẻ là yêu thương! - Sharing is caring!

Leave a Reply